Dấu hiệu nhận biết đau bụng do nhiễm giun sán
Đau bụng là triệu chứng của rất nhiều bệnh phổ biến mà mỗi người ít nhất cũng sẽ có 1 lần bị đau bụng, làm thế nào để phân biệt được giữa đau bụng thông thường và đau bụng giun để từ đó xác định chính xác nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ giúp phân biệt giữa đau bụng do nhiễm giun sán và đau bụng do các bệnh khác.
Đau bụng giun biểu hiện thế nào?
Tình trạng nhiễm giun sán trước đây vô cùng nặng nề, ai cũng bị nhiễm thậm chí tắc ruột do giun tạo búi trong đường ruột, giun chui ống mật… khi con người có ý thức trong tẩy giun định kỳ thì tình trạng này đã được giảm rất nhiều, tuy nhiên nhiễm giun sán cũng vẫn là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đau bụng chỉ là một trong những triệu chứng gặp phải khi bị nhiễm giun sán ký sinh trùng. Cơn đau bụng giun được mô tả là cơn đau quặn bụng từng cơn quanh rốn, có khi xuất hiện đau ở vùng thượng vị trên rốn, có thể có hoặc không kèm theo các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, đi ngoài ra máu…
Ở trẻ em khi bị nhiễm giun thì biểu hiện bệnh nặng nề hơn do trẻ nhỏ, sức đề kháng kém hơn: người mệt mỏi, xanh xao, đau bụng, hay buồn nôn và nôn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, ngủ không ngon, kém tập trung, … có những trường hợp nhiễm giun nhiều tạo búi gây tắc ruột
Đau bụng giun là do đâu?
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm các loại giun sán hiện nay có tỉ lệ khác nhau ở các vùng miền, những người sống ở khu vực nông thôn thường có nguy cơ nhiễm giun sán cao khu vực thành thị hơn bởi thường xuyên tiếp xúc với đất ẩm, ăn rau sống, tắm nước sông... tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm ở thành thị cũng ngày một tăng cao do thói quen ăn uống.
Ở trẻ em, nguyên nhân gây ra đau bụng giun là do ăn thức ăn mất vệ sinh hoặc không được nấu chín kĩ, trẻ không được uống nước đun sôi và không được tạo thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Ngoài ra, có trẻ có thói quen gặm mút ngón tay, đồ chơi mà đồ chơi không được vệ sinh thường xuyên cũng gây nhiễm bệnh.
Điều trị và phòng bệnh đau bụng giun
Cần nghĩ tới đau bụng giun khi người bệnh không có thói quen tẩy giun định kỳ 6 tháng / lần, đau bụng quặn từng cơn xung quanh rốn, có thể cần thêm các xét nghiệm máu, soi phân để kết quả chính xác hơn.
Ngày nay có nhiều loại thuốc có tác dụng tẩy giun rất tốt, có thể diệt được hết các loại giun móc, giun đũa, giun kim, giun tóc....ngoài ra có một số loại giun sán ký sinh khác hiếm gặp hơn cũng đều có thuốc trị triệt để.
Quan trọng nhất là mỗi người dân cần được giáo dục và thực hiện các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là với trẻ em như sau:
Trẻ em và người lớn cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần và sử dụng thuốc tẩy giun theo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.
Có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, sau khi chơi đồ chơi đối với trẻ em.
Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cắt móng tay chân, trẻ em thì không mút tay cắn móng tay.
Xây dựng thói quen ăn chín, uống sôi, từ bỏ thói quen ăn rau sống, thịt sống, thịt tái.
Khi phải làm việc trong môi trường đất, nước bẩn cần có bao tay, ủng,…
Khi nghi ngờ có những biểu hiện nhiễm giun sán thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa giun sán ký sinh trùng kiểm tra ngay.